Lịch sử hình thành Ga_Ninh_Bình

Ga Ninh Bình cũ nay trở thành ga hàng hóa

Ga Ninh Bình cũ nằm ngay dưới đầu cầu Ninh Bình ở hữu ngạn sông Đáy. Xưa ga Ninh Bình cũ là điểm đón, trả khách và hàng hóa của các đoàn tàu. Ga nằm trên vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa và tiềm năng du lịch. Trước mặt ga là núi Cánh Diều, tên chữ núi Ngọc Mỹ Nhân - cô gái đẹp như ngọc. Phía sau nhà ga là dòng sông Vân Sàng - tức sông Giường Mây, cái tên được đặt để "kỷ niệm" cuộc gặp gỡ giữa Lê Hoàn - Lê Đại Hành đi đánh trận trở về, gặp Hoàng hậu Dương Vân Nga ngồi thuyền rồng ở sông đón ông. Thời kỳ chống Pháp, nhà ga đóng chặt cửa. Quân Pháp ở núi Non Nước, ở nhà thờ Ninh Bình ngay bên cạnh nhà ga. Đánh Mỹ, ga thị xã Ninh Bình gồng mình chịu những trận bom cực kỳ ác liệt. Ga Ninh Bình ngẩng cao đầu, Đèn nhà ga vẫn sáng, dẫu là ánh sáng le lói. Tiếng còi tàu vẫn âm âm dội vào vách núi Cánh Diều và mấy trăm bánh sắt vẫn lăn đều trên hai đường ray, đi qua nhà ga, kéo một hồi còi, để rồi "xình xịch" chạy về ga Cầu Yên, ga Ghềnh, ga Đồng Giao... Tàu chở quân, chở lương thực, chở vũ khí, chở quân trang. Đoàn tàu thống nhất qua Cầu Ninh Bình và Ga Ninh Bình được miêu tả trong thơ:[2]

"Tàu đi dưới trận mưa bom;Tiếng còi âm vọng nước non Ninh Bình".

Nhà Ga thành phố Ninh Bình hiện nay được xây dựng mới hiện đại nằm ở phường Nam Bình là một Ga lớn về quy mô với số đường tàu tăng gấp 2,5 lần trước đó và hầu hết các chuyến tàu khách đều dừng lại tại ga.